Người trẻ chọn Đức Giêsu làm Vua




Các bạn trẻ thân mến,

Ngày nay trên thế giới, chế độ quân chủ hoặc vua chúa không còn thịnh hành như mấy trăm năm về trước. Hình ảnh ông hoàng chúng ta chỉ thấy trong phim ảnh hoặc trong tiểu thuyết. Gọi là vua vì họ đứng đầu một đất nước. Vua có mọi quyền hành trong tay, với kẻ hầu người hạ, và hẳn nhiên là được ở trong cung điện sơn son thếp vàng. Vua có uy quyền và được xem như thiên tử, con của trời. Thế nên mệnh lệnh của vua là tuyệt đối buộc mọi người phải thi hành. Những ai mà được vua sủng ái, dĩ nhiên cũng được hưởng hào quang cùng bổng lộc. Do đó mà từ cổ chí kim, người ta vẫn luôn mong được nhà vua đoái nhìn và được phụng sự cống hiến cho nhà vua quả là niềm vinh dự! Ở đây chúng ta đang nói đến những vua chúa trần gian. Dưới đây, các bạn sẽ thấy vị vua Giêsu còn xứng đáng hơn nhiều để chúng ta lựa chọn làm gia nghiệp cho đời mình.

Mỗi Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, chúng ta lại có dịp chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô là vị vua của vũ trụ. Như ý nghĩa của ngày lễ, Đức Giêsu không chỉ là vua của người Công giáo, nhưng còn là vua của các vua, nghĩa là Thiên Chúa có toàn quyền trên trời dưới đất. Chính Ngài tạo dựng muôn loài và quy tụ muôn người về một vương quốc (x. Ga 11,45-56). Trong vương quốc này không còn khổ đau và chết chóc. Điều thú vị là chính Đức Giêsu đã chấp nhận rời bỏ ngai tòa vương quốc ấy để đến cư ngụ với con người. Ngài thích lui tới để kết bạn với từng người, nhất là những người tội lỗi và yếu thế cô thân. Lịch sử ghi nhận một vị vua đã đi hết làng này đến làng khác để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Vị vua này muốn kết bạn với mỗi người chúng ta, với những người trẻ đang xây dựng ước mơ. Mục đích của vị vua này là để cứu độ con người. Để hoàn thành ước nguyện này, vị vua Giêsu này đã phải lãnh án tử hình mà Tin Mừng hôm nay thuật lại một chút trong Cuộc Thương Khó (Ga 18,33-37).

Số là giới lãnh đạo người Do Thái trong dịp lễ Vượt Qua đã cấu kết với nhau để nộp Đức Giêsu cho chính quyền Rôma. Một trong những lý do để kết tội Đức Giêsu mà họ đưa ra là: “Đức Giêsu đã nhận mình là vua của người Do Thái.” Do đó lúc này tổng trấn Philatô, người đang tra khảo Đức Giêsu, mới hỏi lại Đức Giêsu xem có phải như họ nói không. Nếu có mặt trong phiên tòa ngày hôm đó, chúng ta cũng có thể nghe những lời này: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” - Philatô hỏi. Sau đó Philatô còn thắc mắc Đức Giêsu đã làm gì? Hỏi thế nhưng Đức Giêsu trả lời rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” (Ga 18,37). Philatô không màng đến câu trả lời này của Đức Giêsu, vấn đề Philatô vẫn băn khoăn là ông Giêsu này có thực sự là vua không. Dĩ nhiên Đức Giêsu trước sau vẫn trả lời: “Chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Với ý nghĩa của câu này, người trẻ thật vinh hạnh được làm thần dân của Đức Giêsu:

1. Vương quốc. Ai cũng cần hạnh phúc và cần tìm được một nơi chốn bình an để tìm về. Người trẻ Công giáo thật may khi có một hướng đi cùng với Đức Giêsu và Giáo hội để trở về vương quốc này. Chúng ta hay gọi đó là thiên đàng. Theo cách hiểu của Giáo hội, thiên đàng không phải là một chỗ hữu hình cụ thể nào. Thiên Đàng nhằm chỉ thực tại thiêng liêng, siêu phàm, “nơi” đó có Thiên Chúa, có các thánh. Nơi đó là “nhà” của Thiên Chúa Cha. Đó cũng là quê hương đích thật mà mỗi người chúng ta hướng về. Chúng ta tin và ước mong rằng sau khi rời bỏ cuộc sống ở đời này, Thiên Chúa cũng đón ta vào vương quốc tình yêu vĩnh hằng ấy. Chỉ có ai dám chọn và đi theo Đức Giêsu, họ mới được vua Giêsu chấp nhận cho vào vương quốc này. Đừng quên chính Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Đàng!

2. Làm chứng cho sự thật. Một khi người trẻ chọn Đức Giêsu làm vua của mình, nghĩa là họ chấp nhận đi vào con đường của chân lý. Có thể nói hiến chương Nước trời hoặc luật lệ của vua Giêsu luôn là sự thật, nghĩa là giúp con người ở trong trật tự và bình an. Đây là thách đố không nhỏ cho người trẻ trong xã hội hôm nay còn nhiều lọc lừa gian dối. Vua Giêsu thách thức người trẻ hãy đi ngược dòng với thế gian. Là môn đệ của Chúa, là con dân của Vua Hằng Sống Giêsu, chúng ta nỗ lực làm chứng cho những gì là chân thiện mỹ (Mt 10,22). Tôi tin mỗi người trẻ đều có khao khát sống cho sự thật. Họ muốn thành thật trong lời nói, hành vi, tránh xa lối sống “giả trân”, hai mặt, dối trá hoặc đạo đức giả (GLHTCG 2505).

3. Nghe và đi theo vua Giêsu. Bạn sẽ ngạc nhiên vì chính Đức Giêsu luôn đi tìm chúng ta trước. Ngài đã rời bỏ cõi trời để nhập thể, để cùng ăn uống và cùng sống với con người. Từ đó, ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài. Ai cũng có cơ hội bước theo vua Giêsu. Đó là con đường chung, là đạo công giáo cho toàn dân trong mọi thời đại và mọi tầng lớp xã hội. Dù là giám đốc giàu sang hay công nhân nghèo khổ, dù là nông dân tầm thường hoặc nhân viên tri thức, dù nam hoặc nữ, trẻ hay già, v.v. đều có quyền gia nhập vào hàng ngũ các môn đệ của Đức Giêsu (x. Lc 6,17; Mt 8,21). Trong niềm vinh dự này, chúng ta cũng được sai đi làm chứng cho sự thật và Tin Mừng (x. Mt 10,1). Bởi thế mà Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36 đang được cử hành trong Chúa Nhật Chúa Kitô Vua vũ trụ này (21/11/2021), Giáo hội chọn chủ đề: “Hãy trỗi dậy! Ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy.”[1] (x. Cv 26,16).

Với ba ý nghĩa trên đây, ước gì người trẻ chúng ta hãy cho Thiên Chúa một cơ hội, để Đức Giêsu làm vua của cuộc đời mình. Hoặc như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ: “Hôm nay cũng vậy, Thiên Chúa đang nói với mỗi người trong các con: Hãy trỗi dậy! Cha tha thiết hy vọng rằng chúng ta hãy chuẩn bị cho thời đại mới và một trang mới trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta không thể bắt đầu lại nếu không có các con. Để trỗi dậy, thế giới cần sức mạnh của các con, sự nhiệt tình của các con, niềm đam mê của các con.”

Sau lời dẫn trên đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân danh Chúa Giêsu, vua vũ trụ, xin các bạn trẻ:

– Hãy trỗi dậy và làm chứng rằng các con cũng đã từng mù lòa và đã gặp được ánh sáng. Các con cũng đã nhìn thấy sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong các con, trong người khác và trong sự hiệp thông của Giáo hội, nơi chiến thắng mọi sự đơn độc.

– Hãy trỗi dậy và làm chứng cho tình yêu và sự tôn trọng, điều có thể hình thành trong mối tương quan của con người, trong cuộc sống gia đình, trong việc đối thoại giữa cha mẹ và con cái, giữa người trẻ và người cao niên.

– Hãy trỗi dậy và bảo vệ công bằng xã hội, sự thật và lẽ phải, nhân quyền, những người bị bách hại, những người nghèo và người dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội, những người nhập cư.

– Hãy trỗi dậy và làm chứng cho cách nhìn mới khiến các con nhìn thấy thụ tạo bằng đôi mắt đầy kinh ngạc, khiến các con nhận ra Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta và cho các con lòng can đảm để bảo vệ hệ sinh thái toàn diện.

– Hãy trỗi dậy và làm chứng rằng những cuộc đời thất bại có thể được làm lại, những người chết về phần thiêng liêng có thể sống lại, những người sống kiếp nô lệ có thể trở lại tự do, những tâm hồn bị đè nặng bởi sầu khổ có thể tìm lại hy vọng.

– Hãy trỗi dậy và làm chứng cách vui tươi rằng Chúa Kitô đang sống! Hãy truyền bá sứ điệp yêu thương và cứu độ của Người giữa các bạn cùng trang lứa với các con, ở trường học, trong đại học, ở nơi làm việc, trong thế giới kỹ thuật số, ở bất cứ nơi đâu.

Sau cùng trong cầu nguyện, hãy tâm sự với Thiên Chúa, với Vua Giêsu rằng: “Lạy Chúa của con, với ơn Chúa, chúng con trỗi dậy và lên đường…”


Tác giả: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ - Nguồn: Dòng Tên Việt Nam (19/11/2021)
Mới hơn Cũ hơn